Có nên đầu tư chứng chỉ quỹ để sinh lời?

Quỹ đầu tư vốn là khái niệm phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Trong bài viết này, hãy cùng STAG đi sâu tìm hiểu về quỹ đầu tư và những yếu tố quan trọng đi kèm.

Có nên đầu tư chứng chỉ quỹ để sinh lời?

Thời gian trở lại đây, quỹ đầu tư là kênh sinh lời được nhiều cá nhân quan tâm. Với ưu điểm rủi ro thấp, lợi nhuận ổn định, quỹ đầu tư phù hợp với những người bận rộn, ít thời gian, ít kinh nghiệm trong thị trường. Vậy thực chất quỹ đầu tư là gì? Tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ sẽ nhận được lợi ích ra sao? Cùng tìm hiểu ngay bên dưới nhé!

Quỹ đầu tư là gì?

Theo luật chứng khoán, quỹ đầu tư là hình thức huy động vốn, kêu gọi nhiều nhà đầu tư cùng góp tiền để tham gia các hoạt động tài chính và hưởng lợi từ khoản góp chung này. Danh mục của quỹ đầu tư tương đối đa dạng, có thể bao gồm: Cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ…

Quỹ đầu tư được sáng lập và điều hành bởi tổ chức quản lý quỹ. Tại đây, các chuyên gia tài chính sẽ theo dõi, phân tích và đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Các khoản đầu tư sẽ do công ty quản lý quỹ, ngân hàng và cơ quan thẩm quyền giám sát chặt chẽ.

Cách hoạt động của quỹ đầu tư

Quỹ đầu tư không trực tiếp nhận tiền mặt từ người tham gia, mà sẽ huy động vốn thông qua việc phát hành và bán chứng chỉ quỹ ra thị trường. Nhà đầu tư có thể tham gia bằng cách mua chứng chỉ quỹ. Cụ thể, chứng chỉ quỹ là một loại giấy tờ thể hiện quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư, cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm mà quỹ đầu tư phải thực hiện.

Để quá trình đầu tư diễn ra thuận lợi, người tham gia cần phân biệt rõ các loại hình quỹ đầu tư và lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình.

Các loại hình quỹ đầu tư tại Việt Nam

Quỹ đóng

Quỹ đầu tư ở hình thức quỹ đóng

Quỹ đóng sẽ huy động nguồn vốn và phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng một lần duy nhất. Sau khi huy động đủ vốn, công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ đầu tư và hoàn trả cả gốc lẫn lãi theo thời gian quy định (3-5 năm).

Nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ đóng không thể bán lại cho công ty quản lý quỹ, mà chỉ có thể thực hiện giao dịch trên thị trường thứ cấp (Secondary market) cùng với các nhà đầu tư khác.

Quỹ mở

Quỹ đầu tư ở hình thức quỹ mở

Quỹ mở không giới hạn thời gian, quy mô huy động vốn. Nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ bất kỳ lúc nào. Giá trị chứng chỉ quỹ được tính toán dựa trên NAV (giá trị tài sản thuần) tại thời điểm giao dịch. Nhà đầu tư cũng có thể bán lại chứng chỉ quỹ cho công ty quản lý quỹ, lợi nhuận là khoảng chênh lệch giữa giá mua và giá bán.

Tính thanh khoản là nguyên nhân đầu tiên khiến số lượng quỹ mở lớn hơn so với quỹ đóng. Tính đến tháng 6/2021, Việt nam có 35 quỹ mở và 1 quỹ đóng đang hoạt động (Theo dữ liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước).

Tại Việt Nam, quỹ tương hỗ (mutual fund) và quỹ ETF là hai loại hình chính trong thị trường quỹ mở.

Các loại hình quỹ đầu tư phổ biến ở Việt Nam

Quỹ tương hỗ:

  • Chứng chỉ quỹ tương hỗ không được niêm yết trên sàn, mà bán theo mức cố định. Ví dụ: Quỹ Đầu tư Cân bằng Bản Việt (VCAMBF) của VCAM, với khoản đầu tư tối thiểu 1,000,000 VND, bạn sẽ mua được ~70 chứng chỉ quỹ ở mức NAV là 14,250 đồng/Chứng chỉ quỹ (Tính đến ngày 20/04/2023).
  • Bạn có thể mua bán chứng chỉ quỹ theo thời gian quy định, giá trị giao dịch sẽ được tính theo NAV tại thời điểm đó. Ví dụ: Lịch phát hành/Mua lại chứng chỉ quỹ VCAMBF là Thứ Sáu hàng tuần.
  • Thông thường, quỹ tương hỗ sẽ thu phí quản lý, phí bán lại dựa trên giá trị giao dịch và thời gian nắm giữ.

Ví dụ về mức phí phải trả cho quỹ Quỹ Đầu tư Cân bằng Bản Việt (VCAMBF) tính đến ngày 20/4/2023:

  • Phí phát hành/mua lại: 0.5% giá trị giao dịch
  • Phí quản lý quỹ: 0.9%/năm

Quỹ ETF:

  • Chứng chỉ quỹ ETF có thể giao dịch trên sàn chứng khoán như cổ phiếu. Do vậy, giá chứng chỉ quỹ sẽ được quyết định bởi cung-cầu. Ví dụ trên sàn HSX, chứng chỉ quỹ ETF VinaCapital VN100 (FUEVN100) được giao dịch với giá 13,390 đồng/Chứng chỉ quỹ (Tính đến ngày 20/4/2023).
  • Do chứng chỉ ETF được giao dịch trên sàn như cổ phiếu, thời điểm mua/bán khác nhau trong ngày sẽ có mức giá khác nhau.
  • Tương tự như quỹ tương hỗ, chứng chỉ quỹ ETF cũng có áp dụng một số loại phí nhất định.

Ví dụ về mức phí phải trả cho quỹ ETF VinaCapital VN100 (FUEVN100) tính đến ngày 1/3/2023:

  • Phí mua/Phí hoán đổi: 0% giá trị giao dịch
  • Phí quản lý quỹ: 0.67%/năm

>> Xem thêm: Đầu tư quỹ ETF là gì? Cơ hội đầu tư dành cho người trẻ

Cách thức hoạt động của quỹ đầu tư

Quỹ đầu tư hoạt động bằng cách huy động vốn của nhà đầu tư và dùng nó để mua cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, hợp đồng tương lai… Quy trình hoạt động của quỹ đầu tư được thiết kế và vận hành theo các bước cơ bản:

Bước 1: Huy động vốn

Quỹ đầu tư huy động vốn thông qua việc phát hành và bán chứng chỉ quỹ.

Bước 2: Đầu tư

Đội ngũ chuyên gia sẽ nghiên cứu, đánh giá và sử dụng vốn để mua các sản phẩm tài chính, cố gắng tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư chứng chỉ quỹ.

Bước 3: Tiến hành định giá, phát hành ra công chúng

Giá trị chứng chỉ quỹ sẽ được tính toán theo công thức: Tổng giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV)/Tổng số chứng chỉ quỹ đã phát hành (CCQ).

Ưu nhược điểm khi đầu tư chứng chỉ quỹ

Ưu điểm

Phù hợp nhà đầu tư ít kinh nghiệm: Do tính chất của quỹ đầu tư, người tham gia không nhất thiết là chuyên gia tài chính, nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm trong thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian, trong khi vẫn tối ưu được cơ hội sinh lợi từ số tiền nhàn rỗi.

Giảm rủi ro: Quyết định đầu tư sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia của quỹ, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Các chuyên gia sẽ thay nhà đầu tư đưa ra lựa chọn. Nhà đầu tư chỉ cần mua chứng chỉ quỹ và hưởng lợi nhuận khi có lãi.

Khoản đầu tư ổn định trong dài hạn: Đầu tư chứng chỉ quỹ sẽ đem tới nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên. Nhất là trong dài hạn, chứng chỉ quỹ tăng trưởng ổn định cùng thị trường, giúp đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhược điểm

Không được đưa ra quyết định đầu tư: Quỹ đầu tư chịu trách nhiệm phân tích, tiến hành đầu tư, vì vậy nhà đầu tư không có quyền quyết định “rót tiền” vào một kênh tài chính cụ thể nào.

Có thể không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng: Quỹ đầu tư có thể sinh lời nhiều, ít hoặc thậm chí là không sinh lời. Nhà đầu tư cần tìm hiểu hiệu suất trong quá khứ của quỹ để đánh giá xem có phù hợp với mục tiêu lợi nhuận, khả năng chịu đựng rủi ro của mình hay không.

Phí quản lý quỹ: Tùy theo hình thức quỹ mà các nhà đầu tư phải trả một mức phí cho các công ty quản lý quỹ khi giao dịch. Ví dụ: Phí phát hành/mua lại, phí quản lý.

Làm sao để tham gia quỹ đầu tư hiệu quả?

Cách tham gia quỹ đầu tư hiệu quả

Danh mục đầu tư của quỹ: Bạn cần nắm rõ danh mục mà quỹ sẽ đầu tư, đó là cổ phiếu, trái phiếu hay những loại tài sản khác để xem xét và quyết định đầu tư phù hợp.

Công ty quản lý quỹ: Bạn nên chọn công ty quản lý quỹ uy tín, có tên tuổi và đã hoạt động trong một thời gian nhất định. Với kinh nghiệm dày dặn, các công ty này có thể giúp bạn đầu tư hiệu quả hơn. Bằng cách nhìn vào lịch sử hoạt động, bạn cũng có thể đánh giá được công ty có thể làm tốt trong tương lai hay không.

Thời gian giữ chứng chỉ quỹ: Tùy từng loại quỹ và thời gian nắm giữ mà phí bán chứng chỉ quỹ sẽ có sự khác nhau, chẳng hạn như bán chứng chỉ quỹ sớm sẽ bị tính phí, nắm giữ lâu hơn sẽ không mất phí.

Phí quản lý của quỹ: Các công ty quản lý quỹ thường áp dụng một khoản phí dịch vụ nhất định để vận hành tổ chức, dao động từ mức 0.1 - 2%/năm. Bạn nên cân nhắc yếu tố này trước khi chọn đầu tư quỹ nhé.

Tham khảo hiệu quả hoạt động của Quỹ Đầu tư Cân bằng Bản Việt (VCAMBF) tính đến ngày 20/4/2023:


Ngày

Lợi nhuận

1 tháng

3 năm

5 năm

Từ đầu năm 2023

Từ khi thành lập (Năm 2014)

20/04/2023

+1.65%

+47.08%

+13.98%

+5.45%

+86.21%

Tham gia quỹ đầu tư là cách để tận dụng và đem tiền nhàn rỗi đi đầu tư sinh lời mà không cần mất quá nhiều thời gian phân tích, hay đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên môn. Mong rằng bài viết này đã mang đến nhiều thông tin hữu ích, giúp bạn hiểu rõ quỹ đầu tư là gì? Từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với mục tiêu của mình.