Định nghĩa cổ phiếu là gì? Khi đầu tư chứng khoán, người mới bắt đầu cần quan tâm điều gì?
Bài viết hôm nay sẽ cung cấp kiến thức cho những nhà đầu tư mới về khái niệm cổ phiếu. Ngoài ra, chúng tôi còn gửi đến những nhà đầu tư mới những lưu ý khi mới tham gia thị trường chứng khoán.
Đầu tư chứng khoán đem lại tiềm năng gia tăng tài sản to lớn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng sở hữu nhiều rủi ro và đòi hỏi nhà đầu tư sự kiên trì và kỷ luật để thành công. “Thời điểm đầu tư tốt nhất là ngày hôm qua, tốt thứ nhì là hôm nay”. Tất cả nhà đầu tư lỗi lạc đều có xuất phát điểm như nhau. Vậy đối với người mới bắt đầu thì cần biết những kiến thức cơ bản nào? Chúng tôi đã tổng hợp tinh gọn nhất trong nội dung bài viết này tổng quan về thị trường chứng khoán và những điều nhà đầu tư mới cần biết để bắt đầu hành trình đầu tư thành công của mình.
Nội dung chính
Định nghĩa cổ phiếu là gì?
Có những loại cổ phiếu nào
- Cổ phiếu ưu đãi
- Cổ phiếu quỹ
- Cổ phiếu penny
- Cổ phiếu bluechip
- Cổ phiếu ESOP
- Cổ phiếu OTC
Phát hành cổ phiếu là gì?
- Định nghĩa và vai trò
- Tiêu chí để phát hành cổ phiếu
Vì sao nên đầu tư cổ phiếu
- So sánh cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ
Các bước đầu tư cổ phiếu
- Trang bị kiến thức
- Mở tài khoản
- Giao dịch và đặt lệnh
Định nghĩa cổ phiếu là gì?
Có thể hiểu đơn giản rằng, cổ phiếu cũng là một loại chứng khoán. Cụ thể, cổ phiếu đóng vai trò xác nhận quyền sở hữu cổ phần của một công ty hay một tổ chức. Khi bạn mua cổ phiếu của một công ty, đồng nghĩa với việc bạn đã trở thành cổ đông của công ty phát hành và sở hữu một phần công ty dựa trên số lượng cổ phiếu sở hữu.
Người đầu tư cổ phiếu sẽ nhận được lợi nhuận từ việc “ăn nên làm ra” của các công ty thông qua cổ tức và tăng giá cổ phiếu. Những hình thức chi trả cổ tức có thể kể đến là chi trả bằng tiền mặt, cổ phiếu hoặc tài sản có giá trị tương đương theo quy định tại Điều lệ công ty.
Có những loại cổ phiếu nào?
Cổ phiếu được biết đến với nhiều loại, tính chất và quyền lợi của mỗi loại cổ phiếu sẽ khác nhau. Trong phần này, Stag sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về những loại cổ phiếu.
Cổ phiếu phổ thông (common share): đây là loại cổ phiếu thông dụng nhất. Quyền lợi của người sở hữu loại cổ phiếu này là được tham dự những kỳ họp đại hội cổ đông và có quyền tham gia biểu quyết về định hướng hoạt động của doanh nghiệp, bầu cử thành viên Hội đồng quản trị... Trong trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ cổ phiếu phổ thông là đối tượng được công ty thanh toán cuối cùng, sau khi doanh nghiệp đã chi trả các khoản nợ khác.
Cổ phiếu ưu đãi (preferred share): tuy có nhiều hạn chế về đặc quyền so với cổ phiếu phổ thông, song nhiều người vẫn lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi vì những quyền lợi hạn chế rủi ro. Đối với từng loại hình, cổ phiếu ưu đãi sẽ có các đặc điểm khác nhau:
Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: người sở hữu loại cổ phiếu này sẽ được chi trả lợi nhuận cổ tức cao hơn người nắm giữ cổ phiếu thông thường và thường sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Đổi lại, bạn không có quyền tham dự họp đại hội cổ đông, biểu quyết hay đề cử thành viên cho Hội đồng quản trị & Ban kiểm soát.
Cổ phiếu ưu đãi tích luỹ: là loại cổ phiếu ưu đãi có tính chất đảm bảo thanh toán cổ tức. Trong trường hợp tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khăn không thể chi trả đầy đủ cổ tức cho cổ đông thì số cổ tức còn thiếu sẽ được cộng dồn và công ty phải trả số cổ tức này cho cổ đông cổ phiếu ưu đãi tích lũy trước khi công bố trả cổ tức cho cổ đông thường.
Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: sở hữu số phiếu biểu quyết nhiều hơn các loại cổ phiếu khác là quyền lợi hấp dẫn của cổ phiếu ưu đãi biểu quyết. Khi nắm giữ loại cổ phiếu này, bạn hoàn toàn có quyền biểu quyết, tham gia họp đại hội cổ đông và đề cử thành viên cho Hội đồng quản trị & Ban kiểm soát. Bất lợi duy nhất là bạn không được chuyển nhượng cổ phiếu này cho người khác.
Cổ phiếu ưu đãi có thể mua lại: là cổ phiếu mà doanh nghiệp có thể mua lại từ nhà đầu tư bất kỳ lúc nào.
Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi: đây là loại cổ phiếu kèm theo điều kiện cho phép người sở hữu chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi đang nắm giữ sang loại cổ phiếu khác (ví dụ như cổ phiếu thường).
Cổ phiếu quỹ: được phát hành và sở hữu bởi cùng một doanh nghiệp. Khối lượng cổ phiếu quỹ được mua lại sẽ không được tính vào lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Cổ phiếu quỹ thường được mua với một số mục đích đặc biệt như phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên; kích cầu thị trường nhằm bình ổn giá cổ phiếu khi thị trường đi xuống... Tuy nhiên, việc thu mua cổ phiếu quỹ cũng có một số quy định về lượng cổ phiếu tối đa được mua và điều kiện giao dịch cụ thể.
Cổ phiếu penny: là tên gọi của những cổ phiếu có mệnh giá nhỏ chỉ khoảng dưới 10.000đ/cổ phiếu. Loại cổ phiếu này được phát hành bởi những doanh nghiệp nhỏ, ít thông tin tham khảo nên có thể gặp nhiều rủi ro phá sản hoặc kinh doanh thua lỗ hơn các công ty lớn.
Tuy nhiên, do có giá thấp và được phát hành bởi doanh nghiệp nhỏ nên loại cổ phiếu này có thể tăng giá rất nhanh nếu bản thân doanh nghiệp có nhiều thông tin tích cực. Chính vì vậy, cổ phiếu penny thường được giao dịch với mục đích đầu cơ ngắn hạn hơn là dài hạn.
Cổ phiếu Bluechip là nhóm cổ phiếu uy tín được phát hành bởi các doanh nghiệp, tập đoàn có vốn hoá lớn (trên 10.000 tỷ). Đặc điểm nổi bật của các mã cổ phiếu này là tính ổn định và thanh khoản cao. Do ít khi có biến động mạnh nên lợi nhuận ngắn hạn mà cổ phiếu bluechip mang lại không quá lớn. Đây là loại cổ phiếu phù hợp để đầu tư dài hạn.
Cổ phiếu ESOP (Employee Stock Ownership Plan): cổ phiếu đặc biệt được phát hành dành riêng cho cán bộ nhân viên có đóng góp lớn với doanh nghiệp với mức giá ưu đãi hơn rất nhiều so với thị trường. Doanh nghiệp phát hành ESOP mục đích giữ chân các nhân sự chủ chốt, có năng lực. Tuy nhiên, hiện nay không có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện chính sách này.
Cổ phiếu OTC: là loại cổ phiếu được giao dịch phi tập trung, tức không có bất kỳ một sàn hoặc thị trường cụ thể nào được xây dựng làm trung gian. Mọi hoạt động giao dịch cổ phiếu được thực hiện qua sự trao đổi giữa người mua và người bán.
Các cổ phiếu OTC thường thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc giao dịch cổ phiếu OTC được thực hiện theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”. Không có bất kỳ một giới hạn nào về giá hay khối lượng giao dịch được đưa ra.
Phát hành cổ phiếu là gì? Cần có điều kiện nào để phát hành cổ phiếu?
Vậy thì làm sao chúng ta có thể mua cổ phiếu, cổ phiếu sẽ được phát hành ra sao? Vì sao các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu? Nếu một cổ phiếu được phát hành ra thị trường, điều đó có nghĩa là gì?
Định nghĩa và vai trò
Phát hành cổ phiếu là hoạt động chỉ có tại công ty cố phần, mục đích chính của hoạt động này là thu hút các nhà đầu tư và huy động nguồn vốn từ bên ngoài cho doanh nghiệp. Cổ phiếu của công ty phát hành có thể tồn tại dưới dạng bút toán ghi sổ, chứng chỉ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu cổ phần. Sau khi cổ phiếu đã được công ty phát hành, các cổ đông sở hữu cổ phần có quyền thực hiện việc mua bán hay chuyển nhượng cho người khác. Những nhà đầu tư khi mua cổ phiếu sẽ được chứng minh và xác nhận quyền sở hữu đối với cổ phần mình đã có được.
Bên cạnh lợi ích thu hút nguồn vốn đầu tư, thì yếu tố không bị ràng buộc trả lợi nhuận cổ tức hay hoàn lại vốn đã góp cũng là một trong những lý do thúc đầy doanh nghiệp triển khai việc phát hành cổ phiếu. Điều này giúp công ty giảm bớt gánh nặng về tài chính và rủi ro vỡ nợ trong giai đoạn tuột dốc, hay không có khả năng chi trả nợ khi phá sản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể hạn chế áp lực về vấn đề đáo hạn nợ, vì cơ bản cổ phiếu là một loại chứng khoán kêu gọi vốn không thời hạn.
Tiêu chí để phát hành cổ phiếu
Số lượng cổ phiếu được phép phát hành trong suốt thời gian hoạt động của một công ty đã được đăng ký ngay từ khi thành lập nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp không phát hành hết số lượng cổ phiếu đã đăng ký. Ngoài ra, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ những điều kiện sau đây:
- Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
- Hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
- Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
- Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
- Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
- Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích.
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
- Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
Vì sao nên đầu tư cổ phiếu? Sự khác biệt của cổ phiếu so với các loại hình chứng khoán khác
Như đã tìm hiểu, cổ phiếu cũng là một loại sản phẩm chứng khoán, đóng vai trò xác nhận quyền sở hữu cổ phần của một công ty hay một tổ chức. Bên cạnh cổ phiếu, chứng khoán còn sở hữu các sản phẩm như trái phiếu, chứng khoán phái sinh và chứng chỉ quỹ. Mỗi một loại hình sẽ có những điểm đặc trưng riêng. Hãy cùng Stag so sánh cổ phiếu với các loại hình chứng khoán khác để chọn ra sản phẩm chứng khác phù hợp nhất với bạn.
So sánh cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ
Làm cách nào để đầu tư cổ phiếu? Các bước để đầu tư cổ phiếu
Một trong những lưu ý quan trọng nhất của quy trình bắt đầu đầu tư cổ phiếu đó là trang bị kiến thức về chứng khoán nói chung và cổ phiếu nói riêng. Nhờ vào sự phát triển của mạng Internet, ngày nay ai cũng có thể mở tài khoản mua cổ phiếu ngay trên điện thoại, giúp cho quy trình đầu tư trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Dẫu vậy, nếu không trang bị cho mình kiến thức về cổ phiếu, cách lựa chọn cổ phiếu mà nhanh chóng đầu tư sẽ dễ khiến các nhà đầu tư mới thua lỗ. Từ đó, họ sẽ có cái nhìn tiêu cực về cổ phiếu.
Mở tài khoản giao dịch chứng khoán
Ngày nay, không khó để bạn có thể mở một tài khoản chứng khoán và tham gia đầu tư ngay cả khi đang ở nhà. Thông thường các nhà đầu tư sẽ mở tài khoản thông qua các công ty chứng khoán hoặc sử dụng ứng dụng online. Lưu ý, bạn sẽ được mở tối đa duy nhất một tài khoản cho một công ty chứng khoán.
Đối với trường hợp mở tài khoản trực tiếp, hãy nhớ mang theo căn cước công dân còn thời hạn đến các chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch. Đơn giản hơn, bạn có thể mở tài khoản online ngay tại nhà thông qua các ứng dụng. Hình thức này yêu cầu người mở tài khoản cung cấp một số thông tin như số điện thoại, email, hình căn cước công dân và hình ảnh nhận diện khuôn mặt thực tế. Tuy nhiên, bạn vẫn phải bổ sung thêm hồ sơ giấy và gửi đến văn phòng của công ty theo yêu cầu.
Giao dịch và đặt lệnh
Sau khi hoàn tất việc mở tài khoản, bạn cần nạp tiền để thực hiện các giao dịch mua bán cổ phiếu. Hiện nay, có ba cách phổ biến để nhà đầu tư nạp tiền vào tài khoản chứng khoán:
Cách 1: Sử dụng tính năng nạp tiền vào tài khoản chứng khoán của một số ứng dụng ví điện tử hoặc app ngân hàng. Khi đó bạn chỉ cần tìm tên công ty chứng khoán cần nạp, nhập mã số giao dịch tài khoản và số tiền bạn muốn nạp để hoàn tất quá trình.
Cách 2: Đến trực tiếp chi nhánh văn phòng ngân hàng để chuyển khoản vào số tài khoản của công ty chứng khoán.
Cách 3: Chuyển khoản đến số tài khoản của công ty chứng khoán bằng cách sử dụng dịch vụ Internet Banking.
Khi đã có tiền trong tài khoản chứng khoán, bạn đã có thể giao dịch mua bán cổ phiếu thông qua những thao tác đặt lệnh. Việc đặt lệnh chỉ được kích hoạt khi đã thoả mãn các điều kiện đã quy định ở mỗi lệnh, chẳng hạn như cổ phiếu của một công ty được bán ra khớp với mức giá bạn đã kỳ vọng. Đó là lý do trong thuật ngữ chứng khoán, việc hoàn tất một giao dịch mua bán còn được gọi là khớp lệnh.
Nhà đầu tư có thể chọn hình thức khớp lệnh phát sinh một lần, có nghĩa sau khi được kích hoạt lệnh sẽ không còn tác dụng dù khớp hết, khớp một phần hay không khớp. Ngược lại, bạn cũng có thể đặt lệnh phát sinh cho tới khi khớp hết khối lượng đã đặt.
Bài chia sẻ hôm nay đã mang đến cho bạn đọc về định nghĩa cổ phiếu là gì? Những điều cần quan tâm khi mới đầu tư cổ phiếu. Bằng những kiến thức căn bản trong đầu tư cổ phiếu, bạn có thể hình dung được cổ phiếu là gì, làm thế nào để mua cổ phiếu và những tiềm năng bạn không nên bỏ qua khi bước vào thị trường này.